Giới thiệu về Tạp chí

KHPLVN

Tiền thân của Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam là Thông tin Khoa học Pháp lý. Số đầu tiên của Thông tin Khoa học pháp lý được phát hành vào ngày 15/10/1998 theo Giấy phép số 332/SVHTT của Sở Văn hóa Thông tin Tp. Hồ Chí Minh. Mục đích của Thông tin Khoa học pháp lý là tạo diễn đàn để các thầy cô giáo, sinh viên trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm giảng dạy, học tập; góp phần vào việc phát triển nghiên cứu khoa học và giảng dạy pháp luật của trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật ở các tỉnh phía Nam. Ngày 13/12/1999, Thông tin khoa học pháp lý được nâng lên thành Đặc san Khoa học pháp lý theo Giấy phép số 5256/VHTT-BC của Bộ Văn hóa – Thông tin. Đặc san Khoa học Pháp lý được xuất bản định kỳ 3 tháng một số. Nội dung của Đặc san gồm các mục: Nghiên cứu – Trao đổi; Thông tin pháp lý và Thực tiễn áp dụng pháp luật.
Người trực tiếp chịu trách nhiệm xuất bản Thông tin Khoa học pháp lý (1998 – 1999) và Đặc san Khoa học pháp lý (2000) là TS. Nguyễn Văn Luyện, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, ThS. Nguyễn Minh Tâm phụ trách biên tập, ông Nguyễn Quốc Văn là biên tập viên.

Ngày 05/01/2001, Tạp chí Khoa học pháp lý của trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh chính thức ra đời theo Giấy phép số 05/GP-BVHTT của Bộ Văn hóa – Thông tin. Tạp chí xuất bản 3 tháng một số để phục vụ các đối tượng là cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên của trường, các độc giả quan tâm đến khoa học pháp lý và đào tạo luật. Tạp chí Khoa học pháp lý có tôn chỉ:

  • Giới thiệu và công bố các công trình nghiên cứu khoa học về công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học pháp luật của các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý của trường;
  • Giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học về nhà nước và pháp luật trong và ngoài nước;
  • Thông tin pháp luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong cán bộ giảng dạy, sinh viên.
  • Trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Từ khi chính thức thành lập cho đến 12/2020, Tạp chí đã có 142 số đã xuất bản, với hàng ngàn bài nghiên cứu khoa học của các cán bộ, giảng viên, chuyên gia, nghiên cứu sinh, học viên của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh và của các cộng tác viên là các nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn của các cơ quan, tổ chức ở trung ương cũng như địa phương.

Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam hiện nay gồm các chuyên mục: Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật; Luật Hiến pháp, Hành chính; Luật Dân sự; Luật Kinh tế; Luật Quốc tế; Bình luận án và Thông tin pháp lý. Các bài viết công bố trên Tạp chí đã bám sát các sự kiện chính trị - pháp lý của đất nước, kiến nghị, góp ý cho việc đổi mới bộ máy nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật; đồng thời, góp phần phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh. Các bài báo khoa học đăng trong Tạp chí được giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh tham khảo, giới thiệu khi giảng dạy, trích dẫn trong các sách, khóa luận, luận văn, luận án. Nhờ vậy, uy tín khoa học của Tạp chí được giữ vững và từng bước được nâng cao.

Năm 2010, Tạp chí được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước xếp điểm công trình tối đa 1 điểm và được công nhận là một trong sáu tạp chí có uy tín nhất của giới luật nước ta hiện nay.

Năm 2019, Tạp chí đã xin thay đổi thành công Giấy phép hoạt động số 36/GP-BTTTT ngày 25/01/2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, Theo đó Tạp chí Khoa học pháp lý thực hiện một số bước phát triển gồm: tăng dung lượng (từ 84 trang lên 120 trang), kỳ xuất bản (từ 9 kỳ lên 12 kỳ/ năm) trong đó có 9 kỳ tiếng Việt và 03 kỳ tiếng Anh. Khuôn khổ Tạp chí sẽ được thay đổi để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Tên gọi của Tạp chí sẽ được điều chỉnh từ Tạp chí Khoa học pháp lý thành Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam (tiếng Anh: Vietnamese Journal of Legal Sciences). Đặc biệt, Tạp chí sẽ được phép xuất bản 3 số tiếng Anh/năm, phục vụ mục tiêu hội nhập quốc tế và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam phiên bản tiếng Anh (Vietnamese Journal of Legal Sciences, viết tắt là VJLS) là một tạp chí khoa học xuất bản ba lần mỗi năm bởi nhà xuất bản Sciendo thuộc tập đoàn xuất bản De Gruyter Brill danh tiếng thế giới, có kinh nghiệm hoạt động trong ngành hơn 300 năm tại Châu Âu. Tạp chí VJLS là sáng kiến của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, một cơ sở giáo dục và đào tạo pháp lý hàng đầu tại Việt Nam, cung cấp nền tảng cho việc phổ biến các nghiên cứu chất lượng cao trên các lĩnh vực pháp luật và chính sách, với quy trình bình duyệt kín (anonymous peer-review) chặt chẽ. VJLS tập trung vào việc xuất bản các bài viết, đánh giá sách (book review), bình luận án lệ (case commentary) và các thể loại nghiên cứu khác, với nội dung phân tích những vấn đề pháp lý tại Việt Nam hoặc quốc gia khác trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa. Các hoạt động của tạp chí được hỗ trợ bởi một Hội đồng biên tập mang tính quốc tế cao, cũng như các biên tập viên ngôn ngữ người bản xứ. Bài viết đăng tạp chí được phân phối rộng rãi thông qua bản in và bản điện tử (tại website tạp chí: https://sciendo.com/journal/VJLS) cho phép truy cập miễn phí, phục vụ nhu cầu tham khảo và nghiên cứu của giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu và thực hành pháp luật. Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh sẽ tiếp tục cải tiến cả về nội dung và hình thức, phấn đấu tăng mỗi tháng ra một số tiếng Việt hoặc tăng dung lượng trang của mỗi số, đáp ứng ngày tốt hơn nhu cầu của bạn đọc và sự tin cậy, cộng tác nhiệt tình của các cộng tác viên thân thiết đã dành cho Tạp chí.

Số hiện tại

Số 08(180) (2024)
					Xem Số 08(180) (2024)
Đã Xuất bản: 2024-09-10

LUẬT HÀNH CHÍNH

LUẬT DÂN SỰ

  • BÌNH LUẬN VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN DỮ LIỆU CÁ NHÂN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM

    Nguyễn Hồ Bích Hằng
    34-47
    DOI: https://doi.org/10.70236/tckhplvn.32
  • QUYỀN CỦA NGƯỜI THỨ BA TRONG HỢP ĐỒNG VÌ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI THỨ BA

    Đặng Thái Bình
    48-60
    DOI: https://doi.org/10.70236/tckhplvn.33
  • BẢO HỘ NHÃN HIỆU ÂM THANH TẠI VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

    Phùng Thị Yến, Vũ Minh Hiếu, Phạm Hải Quyên, Nguyễn Kiều Như
    61-72
    DOI: https://doi.org/10.70236/tckhplvn.34

LUẬT HÌNH SỰ

LUẬT QUỐC TẾ

THÔNG TIN - TRAO ĐỔI

  • ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH – KINH TẾ ĐẶC BIỆT THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN PHÁP NĂM 2013 VÀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH

    Nguyễn Thị Thiện Trí, Phan Nguyễn Phương Thảo, Vũ Thị Ngọc Dung
    105-114
    DOI: https://doi.org/10.70236/tckhplvn.40
Xem Tất cả Các số